Giờ hoạt động góc của trẻ mầm non là nơi trẻ được trải nghiệm
Thứ hai - 11/04/2022 12:34
Giờ hoạt động góc của trẻ lớp mẫu giáo ghép Bản nậm ngám A
Trường mầm non Háng Trợ
Chúng ta đã biết trẻ Mầm non học mà chơi – chơi mà học, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của con trẻ. Thông qua hoạt động góc, các bé sẽ được hình thành và phát triển cấu trúc tâm lý của bản thân. Hoạt động này có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành nhân cách trẻ. Vui chơi là tiền đề cho hoạt động học tập ở lứa tuổi tiếp theo.
Hoạt động góc là phương tiện hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động này còn giúp trẻ biết chia sẻ niềm vui của mình với các bạn, với cộng đồng làm cho thế giới xung quanh của trẻ luôn tươi đẹp và rộng lớn hơn. Tuổi thơ của trẻ sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp theo trẻ suốt cuộc đời. Từ đó, làm giàu tình cảm và trí tuệ cho trẻ. Các bé chơi chủ yếu là do nhu cầu, khả năng của bé, nhu cầu muốn bắt chước, muốn làm người lớn, nhưng khả năng và sức lực của bé chưa đủ để làm người lớn, do đó các bé sẽ giải tỏa nhu cầu đó dưới hình thức chơi ở hoạt động góc. Ở trường mầm non Háng trợ nói chung, lớp mẫu giáo ghép bản nậm ngám A nói riêng, muốn trẻ phát triển tốt thì cô giáo phải là người thể hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của mình, luôn linh động sáng tạo giúp trẻ thông qua chơi mà học bằng cách thông qua giờ “Hoạt động góc”. Trong quá trình tổ chức cho trẻ chơi giáo viên cần phải biết dạy cho trẻ chơi cái gì? Chơi như thể nào để đem lại kiến thức phục vụ cho hoạt động học, phục vụ cho sự phát triển tư duy của trẻ. Vì vậy đồ chơi càng phong phú bao nhiêu thì càng kích thích sự hứng thú và tạo sự ham muốn được khám phá mở mang kiến thức về thế giới xung quanh ở trẻ bấy nhiêu.
Nhờ vào hoạt động góc, các bé được tham gia vào xã hội người lớn theo cách riêng của mình, chúng sẽ tưởng tượng mình là người lớn và cũng đóng một cương vị xã hội như cô giáo, bác sĩ, chú công nhân, cô bán hàng… Với vai trò đó, các bạn nhỏ đã tái tạo lại cuộc sống của người lớn một cách tổng quát trong trí tưởng tượng vì chơi của trẻ không phải thật mà là giả vờ, nhưng sự giả vờ ấy lại mang tính chất rất thật.
Ví dụ:
Góc xây dựng: Trẻ sẽ vào vai chú công nhân, những việc làm của trẻ thể hiện rất cần cù, cặm cụi làm công việc của người công nhân. Đồng thời, trẻ biết hợp tác với nhau để thực hiện một công việc được giao.
Góc phân vai: Trẻ sẽ đóng vai mẹ thể hiện mình là một người mẹ hết mực thương yêu hết lòng chăm sóc con của mình. Nhưng hoạt động của trẻ nhằm để thỏa mãn nhu cầu khi trẻ được tham gia vào xã hội của người lớn.
Góc học tập: Trẻ sẽ tái tạo lại những gì đã được cô dạy trên tiết học nhằm tạo cho trẻ sự ghi nhớ vững bền hơn. Từ đó, tư duy trừu tượng của trẻ được phát triển kèm theo tư duy logic và tư duy ngôn ngữ cũng phát triển.
Như vậy, giờ hoạt động góc được phát triển, mở rộng theo sự phong phú và mở rộng các mối quan hệ của trẻ với môi trường xung quanh, phản ánh sự sáng tạo, độc đáo, sự tác động qua lại giữa trẻ với môi trường xung quanh một cách tích cực, tự lực, tự nguyện và tự tin.
Trẻ rất thích các hoạt động góc tại trường, hoạt động góc giúp trẻ hiểu và hợp tác với nhau hơn. Từ đó, trẻ dễ dàng mô phỏng lại xã hội của người lớn. Hơn nữa, hoạt động này còn có giá trị lớn và đã trở thành phương tiện để giáo dục trẻ phát triển toàn diện trong các lĩnh vực ngôn ngữ, thẩm mỹ, thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Đồng thời, là phương tiện không thể thiếu nhằm phát triển toàn diện nhân cách và trí tuệ cho trẻ ở trường mầm non.
Người viết
Phạm Thị Thanh Xuân